1380 NĂM DIỄN CHÂU QUA
CÁC THƯ TỊCH
Mời quí vị cùng tìm hiểu tên Diễn
Châu có từ bao giờ? Năm Trinh Quán nguyên niên (627) đổi Đức Châu lại làm Hoan
Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu.
A. XÁC ĐỊNH DANH XƯNG DIỄN CHÂU
I. Sách Khâm
Định việt sử thông giám cương mục viết về Nghệ An trong đời Hùng Vương
và Bắc thuộc, trong đó có Diễn Châu.
“ Nghệ
An: Đời Hùng Vương xưa, Nghệ An thuộc đất Việt Thường, nhà Tần thuộc Tượng
Quan, nhà Hán là huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân, nhà Ngô chia Cửu Chân đặt
làm quận Cửu Đức, nhà Tần, nhà Tống vẫn theo như nhà Ngô, nhà Lương chia đặt
làm Đức Châu, Lỵ Châu và Minh Châu. Nhà Tuỳ năm Khai Hoang thứ 8 (588) đổi Đức
Châu làm Hoan Châu, Lỵ Châu và Trí Châu năm Đại Nghiệp thứ 3( 607) hợp cả Minh
Châu, Trí Châu và Hoan Châu đổi lệ thuộc quận Nhật Nam đặt làm Nam Đức Châu,
Lạo Châu, Minh Châu và Hoan Châu, Năm Trinh Quán nguyên niên (627) đổi Đức
Châu lại làm Hoan Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu, năm thứ
16 (642) bỏ Diễn Châu hợp với Hoan Châu, hồi đầu năm Thiên Bảo (742- 756) lại
đổi là Hoan Châu lệ thuộc quận Nhật Nam, từ năm Kiều Nguyên (758- 760) trở về
sau gọi là Hoan Châu rồi bỏ Trí Châu mà cho lệ thuộc Hoan Châu, năm Quảng Đức
thứ 2 (764), chia Hoan Châu đặt quận Long Trì thuộc Diễn Châu, lại gọi là quận
Diễn Thủy”. ( NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998, trang 1079 và 1080, do Quốc sử quán
Triều Nguyễn biên soạn vào đời Tự Đức)
II.
Sách “
Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch
(1757- 1828. Ông đậu Hoàng Giáp đời Lê (1787), viết Nghệ An ký vào khoảng năm 10 hoặc 20 của thế kỷ XIX. Ông viết khá
kỹ về vấn đề cương vực, tức duyên cách địa lý hành chính của Nghệ An (cũ). Vào
thời Nam Bắc Triều không thấy sách nói gì đến Diễn Châu. Đến đời nhà Tuỳ ( 581-
618), ông viết Dưỡng đế (nhà Tuỳ), năm Đại Nghiệp thứ 2 (606), sai Lưu Phương
làm Tổng quản đạo Hoan Châu (Phương) đánh phá Lâm Ấp (Chiêm Thành sau này) vào
tận quốc đô, rồi lập thêm ở quận Lâm Ấp 4 huyện Tương Phố, Kim Sơn, Giao Giang,
Nam Cực. Quận Tỷ Cảnh 4 huyện: Tỷ Cảnh, Chu Ngô, Thọ Lãnh, Tây Quyển. Như vậy
là mới khôi phục được một nửa đất đai quận Nhật Nam thời Hán mà thôi” ( NXBKHXH, Hà
Nội, 1993, trang 42). Nhật Nam
thời Hán gồm phần lớn đất nước Chiêm Thành cũ và cả Nghệ Tĩnh hiện tại sau chỉ
là phần đất từ Đèo Ngang trở vào thôi.
Sang
đời Đường buổi đầu, nhà Đường đã thay đổi phần lớn cương vực và địa danh các
quận huyện đất nước ta. Nay chúng ta chưa khảo sát rõ vị trí và duyên cách địa
lý hành chính một cách cụ thể các quận huyện ấy được.
Sách
“Nghệ An ký” viết tiếp “ Năm Trinh Quán thứ I (627) đổi Hoan Châu
cũ làm Diễn Châu. Riêng vùng xứ Nghệ này, Việt Thường đổi là Minh Châu
và đặt 3 huyện Vạn An, Minh Hoằng và Minh Định. Huyện Kim Minh, Văn Cốc đổi làm
Trí Châu và đặt 2 huyện Tân Trấn và Đỗ Châu, Quang An đổi làm Nguyên Châu và
đặc 4 huyện: Thủy Nguyên, An Ngân, Hà Long và Trường Giang….
“ Quận
Cửu Chân của Ái Châu có 6 huyện: Cửu Chân, An Thuận, Sùng Bình, Quân Ninh, Nhật
Nam và Trường Lâm. Quận Nhật Nam
của Hoan Châu có 4 huyện: Cửu Đức, Bổ Dương, Việt Thường và Hoài Hoan. Quận
Long Trì ở Diễn Châu có 7 huyện: Trung Nghĩa, Hoài Hoan, Long Trì, Tư Nông, Vũ
Đức, Vũ Dung và Vũ Kim. Vậy Nghệ An và Thanh Hoá là đất 3 quận: Ái Châu, Hoan
Châu và Diễn Châu đời Đường (sách trên, NXB KHXH, trang 43)
III.
Sách “
Đại Nam Nhất thống chí” của Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn vào đời
Tự Đức và Duy Tân, Phan Trọng Điềm phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, phần “Dựng đặt và diên cách” của tỉnh Nghệ
An, chỉ nói “Xưa là đất Việt Thường, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc
Cửu Chân, đời Ngô chia Cửu Châu mà đặt quận Cửu Đức, đời Tuỳ Khai Hoàng ( 581-
601), đặt làm Châu Hoan. Đại Nghiệp ( 605- 617) đổi là Nhật Nam, đời Đường
đặt ba châu Hoan, Diễn và Đường Lâm” ( NXB KHXH, tập II, Hà Nội. 1970, trang
102, 103).
Đến
những trang nói về các huyện cụ thể, sách viết “ Phủ Diễn Châu” ở cách tỉnh
thành 70 dặm về phía Bắc. Đông và Tây cách nhau 58 dặm, Nam Bắc cách nhau 58
dặm, phía Đông đến biển 3 dặm, phía Tây đến địa giới huyện Nghĩa Đường (sau đổi
là Nghĩa Đàn) phủ Quỳ Châu 55 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Hưng Nguyên 25
dặm, phía Bắc đến địa giới huyện Ngọc Sơn (sau đổi là Tĩnh Gia) tỉnh Thanh Hoá
60 dặm, đời Hán là đất huyện Hàm Hoan; Đời Đường là huyện Phù Diễn, lại đổi là Diễn
Châu, đời Trần là lộ Diễn Châu,
đời Lê Quang Thuận đổi làm phủ Diễn Châu thuộc Nghệ An thừa tuyên, lãnh 2 huyện
Đông Thành và Quỳnh Lưu, bản Triều (nhà Nguyễn ) vẫn theo như thế, năm Minh
Mệnh thứ 18 (1837) đặt thêm huyện Yên Thành, nay lãnh 3 huyện (tức Đông Thành,
Quỳnh Lưu và Yên Thành) (sách trên, trang 107- 108). IV.
Cũng sách “Đại Nam Nhất thống chí” ( quyển thứ 14 của 3 tác giả là Cao
Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán soạn vào đời Thành Thái dịch giả là Đặng Chu
Kình do Nhà văn hoá của Bộ văn hoá- Giáo dục xuất bản năm 1965 khi viết về
duyên cách địa lý hành chính tỉnh Nghệ An cũng viết tương tự như các sách khác:
“ Đến
đời Đường gọi là Hoan Châu và Diễn Châu, Hoan Châu có quận Nhật Nam gồm 4
huyện. Diễn Châu có quận Long Trì gồm 7 huyện. ( Hồi đầu nhà Đường đặt ra Hoan
Châu đến năm Trinh Quán (627) lại đổi là Diễn Châu. Sau lại đặt ra An Nam đô hộ
phủ để thống trị các quận Hoan Châu là quận Nhật Nam gồm 4 huyện, Cửu Đức, Bồ
Dương, Việt Thường và Hàm Hoan. Diễn Châu là quận Long Trì có 7 huyện: Trung
Nghĩa, Hoài Hoan, Long Trì, Tư Nông, Võ Lang, Võ Dung và Võ Kim”.
V. Sách
“
Đại Việt địa dư toàn biên” của
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799- 1972) do Viện Sử học và NXB Văn hoá, Hà Nội,
xuất bản năm 1997, khi viết về Hoài Nam (hạ) ông viết: “trước làm Hàm Hoan. Năm
Vũ Đức thứ 5 (622) đặt Hoan Châu và đặt 4 huyện là An Nhân, Phủ Diễn, Tường
Anh, Tây Nguyên, đóng Châu lỵ ở An Nhân. Năm Trinh Quán thứ 1 (627) đổi tên là Diễn Châu…” (trang 38). Ở
trang 230, ông viết: “ Phủ Diễn Châu: phía Bắc cách tỉnh 70 dặm, trước đất là
đất huyện Hàm Hoan. Thời Đường năm Trinh Quán (627- 650) đổi làm Diễn Châu. Bản
triểu năm đầu Gia Long có 2 huyện. Năm Minh Mệnh thứ 18 ( 1837) đặt thêm huyện
Yên Thành. Từ đời Lê về trước, phủ lỵ ở xã Đông Luỹ, thời Tây Sơn dời đến xã
Tiên Lý, gọi là đồn Tiên Lý. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) lấy đồn Tiên Lý làm thành
Phủ Diễn Châu. Năm thứ 10, dời đến xã Cao Xá, lĩnh 2 huyện, tỉnh nhiếp 1 huyện”
(trang 203- 231).
VI.
Sách “
Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1728- 1840) viết vào
đời Gia Long từ năm 1809 đến năm 1819 thì hoàn thành, chỉ ghi tóm tắt: “ Nghệ
An: đời cổ là nước Việt Thương, Tần thuộc về Tượng Quận, hán là quận Nhật Nam,
Ngô đặt là quận Cửu Đức, Lương đổi là Đức Châu, Tuỳ lại gọi Nhật Nam. Đường bắt
đầu gọi Hoan Châu, sau đó là Diễn Châu” ( NXB KHXH, tập I, Hà Nội, năm 1992,
trang 62, phần “Dư địa chí”. Vì tác giả viết quá tóm tắt nên cũng khó xác nhận.
VII.
Sách “
Đất nước Việt Nam qua các thời kỳ” của giáo sư Đào Duy Anh (NXB Khoa
học, Hà Nội, 1964). Viết về Hoan Châu Nhật Nam quận vào đời nhà Tuỳ và nhà
Đường có đoạn: “ Là quận Nhật Nam đời nhà Tuỳ và nhà Đường có đoạn: “ Là quận
Nhật Nam đời Tuỳ, năm Vũ Đức thứ 5 (622) đặt Nam Đức Châu tổng quản phủ, lãnh 8
châu: Đức, Minh, Trí, Hoan, Lâm, Nguyên, Cảnh, Hải. Châu Nam Đức lãnh 6 huyện.
Năm Vũ Đức thứ 8 (625) đổi làm Đức Châu. “ Năm Trinh Quán thứ I (627) đổi làm Hoan
Châu, lấy Hoan Châu cũ là Diễn Châu” (trang 78). Về Diễn Châu Long Trì
quận, giáo sư Đào Duy Anh viết: “ Vốn là quận Trung Nghĩa, lại gọi là quận Diễn
Thuỷ. Trong đời Trinh Quán (tức năm thứ 16) (642)- NVG). Năm Quảng Đức thứ 2(
764) trích Hoan Châu ra đặt lại (Diễn Châu), tức là đất huyện Hàm Hoan đời Ngô,
đời Tần. Có lẽ là tương đương với miền Bắc và miền Tây tỉnh Nghệ An ngày nay,
khoảng các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Qúê Phong, Quỳ Châu.
Như
vậy là tôi đã dẫn 7 sách toàn là loại Địa dư chí xưa kia và đều là các sách
đáng tin cây. Để tránh sự nghi ngờ không cần thiết, tôi đã ghi cả nhà xuất bản,
năm xuất bản, tác giả, ở trang nào bên cạnh. Trong 7 sách ấy:
1-Có 5 sách nói
địa danh Diễn Châu ra đời năm Trinh Quán thứ nhất (627) đời vua Đường Thái
Tông, cách nay (2007) là 1380 năm.
2-Có 2 sách
không nói rõ địa danh Diễn Châu ra đời chính xác năm nào nhưng đều nói vào đầu
đời Đường. Đó là sách Đại Nam nhất thống
chí và Lịch triểu hiến chương loại
chí.
3-Không
một sách nào nói địa danh Diễn Châu ra đời năm khác, vương triều khác. Như vậy
là rất thống nhất. Sách Đại Nam nhất
thống chí có nói đến Phù Diễn nhưng Phù Diễn không phải là Diễn Châu. Sách Đất nước Việt Nam qua các đời có nói đến
quận Diễn Thuỷ, nhưng cái tên Diễn Thuỷ có sau cái tên Diễn Châu.
Vậy
Diễn Châu từ một châu, ngang với Châu Hoan (từ cầu Cấm trở vào cho đến đèo
Ngang) Châu Ái (Thanh Hoá hiện tại) đời Đường và một số đời sau này kêt quả khi
nước ta đã xây dựng nền tự chủ. Đến đời Lý, nhà Lý đổi là “lộ” . Năm Quang Thái
thứ 10 (1397) đổi Diễn Châu làm trấn Vọng Giang, đời Hồ đổi là phủ Linh Nguyên
(cương vực vẫn như đời Đường). Đời thuộc Minh gọi là “phủ”. Đời đầu Lê thuộc
đạo Hải Tây. Năm Quang Thuận thứ 10 (1496) Nghệ An gọi là xứ, sang đời Hồng
Thuận (1510- 1516) gọi là trấn. Diễn Châu lúc này chỉ là một phủ ngang với phủ
Đức Quang, Hà Hoa, Anh Đô, Quỳ Châu, Trà Lân….Đời Tây Sơn, đổi là Trung Đô. Đời
Gia Long vẫn gọi là trấn. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) mới gọi là tỉnh, chia
Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.
Diễn
Châu đời Lê và sau này có 2 huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu. Năm Minh Mệnh thứ 18
(1837), nhà Nguyễn chia Đông Thành và Yên Thành. Năm Thành Thái thứ 10 (1898),
chính quyền thực dân Pháp và nhà Nguyễn chia huyện Đông Thành theo chiều Bắc
Nam như hiện nay, vẫn gọi là huyện Đông Thành và huyện Yên Thành và đều trực
thuộc phủ Diễn Châu.
Từ
năm 1919, nhà nước bỏ cấp phủ, gọi huyện Đông Thành và phủ Diễn Châu. Gọi là
phủ, nhưng lúc này phủ không phải là cấp quản lý cấp huyện mà chỉ ngang cấp
huyện hoặc nhỉnh hơn cấp huyện tý chút mà thôi.
Từ
sau Cách mạng tháng Tám tất cả phủ, huyện, châu đều gọi là huyện và có điều
chỉnh một số phần đất. Phần đất phía Bắc tổng Hoàng Trường (gồm 2 xã Quỳnh
Diễn, Quỳnh Giang hiện tại) cắt về Quỳnh Lưu.
Hiện
tại huyện Diễn Châu có 38 xã và 1 thị trấn.
1-Địa
danh Diễn Châu mà huyện Diễn Châu hiện tạo đang mang tên, ra đời năm Trinh Quán
thứ nhất đời Đường tức năm 627 theo dương lịch. Đến năm 2007 này cái tên đó đã
có một trường kỳ lịch sử là 1380 năm.
2-Sự
thay đổi về duyên cách địa lý hành chính tức cương vực của Diễn Châu từ đầu đời
Đường (đầu thế kỷ 7) đến nay theo các sách đã dẫn trên.
B.
LỴ SỞ DIỄN CHÂU
Còn
về lỵ sở, theo Đại Nam thực lục, Đại Nam
nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn và Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (Viện Sử
học và NXB Văn hoá Hà Nội, 1997) thì:
- Đời Đường lỵ
sở Diễn Châu đóng ở Quỳ Lăng, nay là xã Lăng Thành, huyện Yên Thành.
- Những năm đầu
đời tự chủ, từ Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến cuối đời Trần, lỵ sở ở làng Công
Trung nay thuộc xã Văn Thành, Yên Thành.
- Cuối đời Trần
cho đến hết Lê Trung Hưng đóng ở xã Đông Luỹ, nơi có thành Trài, nay thuộc xã
Diễn Phong, huyện Diễn Châu.
- Thời Tây Sơn,
vua Quang Trung dời đến bảo Tiên Lý, gọi là đồn Tiên Lý ở xã Diễn Ngọc hiện
tai.
- Năm Minh Mệnh
thứ 2 (1828) Triều đình nhà Nguyễn đổi đồn Tiên Lý làm thành phủ lỵ Diễn Châu. - Năm Minh Mệnh
thứ 10 (1829), dời đến thôn Yên Lãng, xã Cao Xá, lúc đầu thành đắp bằng đất,
năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) mới xây thành bằng đá sò. - Sau Cách mạng
tháng Tám, mà cụ thể là sau kháng chiến chống Pháp, năm 1954, lỵ sở Diễn Châu,
lúc này là huyện, mới chuyển về ngã ba Diễn Châu. Lúc đầu gọi là huyện lỵ, ngày
23-2-1977, theo Quyết định số 619 VP/CP của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ
Thủ tướng mới gọi là thị trấn. Thị trấn Diễn Châu trong đó có các cơ quan đầu
não Diễn Châu đang ngày càng mở rộng và phát triển. Là trung tâm chính trị của
Diễn Châu, nhưng nó lại nằm ở vị trí có đường Quốc lộ 1, có đường sắt Bắc Nam
đi qua, đầu mút của Quốc lộ 7 đi Lào, lại sát biển và có sông Bùng chảy
qua….nên nó sẽ là một trung tâm kinh tế, văn hoá phồn vinh.
(Theo
Sách Diễn Châu 1380 Lịch sử - Văn hóa - Nhân vật)
|